M

Không dự Thánh Lễ Chúa Nhật có TỘI hay không?

 Bất cứ một tôn giáo nào cũng có những buổi cử hành lễ tế như là một hành vi thờ phượng dành cho Đấng Tối Cao của mình. Đối với người Công Giáo, hành vi thờ phượng được cho là cao nhất chính là việc hiệp cùng với vị linh mục dâng thánh lễ. Trong thánh lễ ấy, chúng ta tái hiện lại cuộc tế lễ năm xưa Đức Giêsu đã dâng trên cây thập giá. Người dâng là Đức Giêsu, của lễ dâng lên Chúa Cha cũng chính là Đức Giêsu. Thánh lễ là một cuộc quy tụ của cả vũ trụ hướng về tâm điểm Giêsu, để cùng Giêsu hướng về Cha. Bởi thế, ơn ích mà một thánh lễ mang lại là rất lớn và không sao đo lường được. Tự bản chất, thánh lễ là vô giá, dù nó được cử hành ở nơi trang nghiêm như các Vương Cung Thánh Đường rộng lớn hay nơi một nhà tù dơ bẩn ẩm thấp, dù do Đức Giáo Hoàng chủ sự hay một cha già nằm trên giường bệnh dâng. Vậy nếu thánh lễ là vô giá thì dù bạn đi lễ ngày thường hay ngày Chúa Nhật thì xét về mặt ơn ích, bạn vẫn lãnh nhận được cùng một ơn lành.



Việc muốn các tín hữu đi lễ ngày Chúa Nhật như một điều bắt buộc không liên quan đến tính giá trị của một thánh lễ (vì như đã nói ở trên, thánh lễ nào cũng đều vô giá cả), nhưng liên quan đến ý nghĩa đặc biệt của ngày Chúa Nhật và mức độ ưu tiên của nó hơn những ngày khác trong tuần. Thiên Chúa là Đấng vượt trên không gian và thời gian, nếu đối với Ngài, ngày nào cũng như ngày nào. Nhưng đối với con người thì không như vậy. Không chỉ riêng trong lĩnh vực tôn giáo, nhưng chính kinh nghiệm bản thân cũng cho chúng ta thấy rằng ngày Chúa Nhật có cái gì đó khác với những ngày khác. Nó là một ngày đặc biệt hơn, chất chứa nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta hãy cùng điểm lại một vài chi tiết trong Kinh Thánh cho thấy ý nghĩa trọng đại có một không hai của ngày Chúa Nhật khiến cho nó trở thành ngày trọng đại để dâng lễ tế.

Trước hết, trong trình thuật Sáng Thế, tác giả cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã hoàn tất công trình tạo dựng và “ngày thứ bảy [tức là ngày Chúa Nhật của mình] Người nghỉ ngơi và Thiên Chúa chúc lành cho ngày này” (x. St 2,3). Trong sách Xuất Hành, khi ban luật cho dân, Thiên Chúa đã nói rằng “trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy [ngày Chúa Nhật] là hưu lễ kính Thiên Chúa của ngươi; ngươi không được làm bất cứ việc nào, ngươi và con trai con gái ngươi, tớ trai tớ gái của ngươi. Vì trong sáu ngày, Thiên Chúa đã làm nên trời đất, biển và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy, bởi thế, Thiên Chúa đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thành nó” (Xh 20,9-11).

Trong thời gian lưu đày ở Babilon, dân Israel rơi vào khủng hoảng. Họ tự vấn, không biết Thiên Chúa bây giờ ở đâu vì lúc đó không còn Đền Thờ, không còn đất hứa như lời Thiên Chúa đã hứa cùng tổ phụ Apraham và với vua Đa-vít nữa. Chính lúc này, Thiên Chúa cho họ biết rằng Thiên Chúa không còn ngự ở một nơi (Đền Thờ) như trước, nhưng là hiện diện trong một thời gian, đó chính là ngày Sabat (ngày Chúa Nhật). Ngày Sabat là ngày của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa đưa đến hoàn tất tất cả những gì còn dang dở trong công trình tạo dựng. Việc Đức Giêsu làm phép lạ chữa lành các bệnh nhân trong ngày Sabat chính là để thể hiện ý này: Ngài cho thấy mình là Thiên Chúa, đến để hoàn tất công trình cứu độ. (Tiếc thay, những người Pharisêu đã không hiểu, lại còn lên án Đức Giêsu).


Hơn hết, ngày Chúa Nhật là ngày quan trọng vì đó là ngày là Đức Giêsu – Chúa chúng ta – đã phục sinh. Điều này một lần nữa bổ sung cho tính “hoàn tất” của ngày Chúa Nhật. Với sự phục sinh của Đức Giêsu, ngày Chúa Nhật mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó cho thấy sự hoàn thành của một công trình tạo dựng mới mà Thánh Thần thực hiện nơi Đức Giêsu. Đó cũng chính là đỉnh điểm của ơn cứu độ và là điểm đến của mọi loài thụ tạo trong trời đất. Từ ý nghĩa này, ngày Chúa Nhật được Giáo Hội chọn để tất cả con cái mình ở khắp nơi quy tụ về với nhau, cùng nhau long trọng dâng lên Thiên Chúa Cha lời tạ ơn từ sâu thẳm con tim mình, tưởng nhớ rằng chính vào ngày này là ngày Thiên Chúa hoàn tất mọi sự, ngày mà chúng ta được thánh hoá, ngày ân sủng của Thiên Chúa, “ngày Thiên Chúa làm ra”. Họp nhau vào ngày Chúa Nhật tại thế giới này báo trước một cuộc họp mặt với nhau trong bàn tiệc vĩnh cữu trên trời mai sau. Thánh lễ ngày Chúa Nhật là một lễ tế của toàn thể dân Chúa, nó mang tính chất của một cộng đoàn là toàn thể Giáo Hội. Nó hệt như ngày tất cả con cái về nhà với cha mẹ, thăm cha mẹ, cùng nhau chia sẻ bữa ăn thân mật và trò chuyện vui vẻ với nhau.

Trong mỗi thánh lễ, Chúa cần hơn hết nơi chúng ta một tấm lòng. Thánh lễ sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta chỉ đi vì bắt buộc, vì thói quen. Nếu không vì yêu mến, không xuất phát từ việc ý thức được tầm quan trọng của nó, ta sẽ cảm thấy việc đi lễ là một điều gì đó rất nặng nề. Quả thật, nếu bạn hiểu được ý nghĩa của thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ của ngày Chúa Nhật, bạn sẽ không đặt lên bàn cân để so sánh mức độ hơn kém thiệt hơn là các thánh lễ ngày thường với thánh lễ ngày Chúa Nhật.

Ngoài ra, cũng cần phải ý thức rằng, Thiên Chúa và mẹ Giáo Hội không khắc khe đến độ đòi buộc các tín hữu phải đi lễ ngày Chúa Nhật bằng mọi giá. Nếu bạn gặp phải một lý do nào đó bất khả kháng như bệnh tật, đang ở nơi không có linh mục… thì chỉ cần bạn hướng lòng về Chúa thì cũng đã làm cho Ngài vui lòng rồi. Thử lấy một ví dụ thế này: khi có người yêu, ta có thể quan tâm và tặng quà cho người yêu vào bất cứ ngày nào. Nhưng nếu mình quan tâm, đến thăm và tặng quà cho người yêu vào đúng một ngày nào đó có ý nghĩa đặc biệt của người ấy (sinh nhật…) hoặc của cả hai (ngày Valentine hoặc kỷ niệm ngày quen nhau…) thì điều đó sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều, phải không?

TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO LUÔN KHAO KHÁT ĐI LỄ HÀNG NGÀY ???

Một bà cụ kia rất thánh thiện, đạo đức nhưng lại bị đau chân không tự đi Lễ được.
TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO LUÔN KHAO KHÁT ĐI LỄ HÀNG NGÀY
TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO LUÔN KHAO KHÁT ĐI LỄ HÀNG NGÀY
💒†💒💒†💒💒†💒
Bà hay nhờ con dâu chở đi Lễ hàng ngày và thường nói với con dâu:
👏"Con à, cuộc đời không có Chúa thì vất đi hết. 👏
👏Đẹp rồi cũng ra đất. Xinh rồi cũng thành bùn.👏
👏Giàu rồi cũng không đem đi được nổi 1 xu. Sang rồi cũng chẳng có ích lợi nghĩa lý gì.👏
👏Có làm vương làm tướng rồi cũng sẽ về với cát bụi. Có đẳng cấp và hoành tráng mấy đi nữa rồi cũng phải trở về với cõi hư vô. Có sở hữu cả thế giới thì cũng phải tay trắng ra đi.👏
Như con biết đó, Giám mục cũng chết, Linh mục cũng chết, Chủ tịch cũng chết, Tổng thống cũng chết, Đại gia cũng chết, bà sơ cũng chết, ông thầy cũng chết... ai rồi cũng phải chết.
Cố Chủ tịch nước đẳng cấp, danh giá và quyền lực Trần Đại Quang là một ví dụ điển hình.
👏Chết là hết con ạ. 👏
👏Không có việc gì bận bằng việc Chúa. 👏
👏Cho nên dù có bận mấy thì cũng cố gắng sắp xếp mà đi Lễ nhé. 👏
👏Đặc biệt là không bao giờ được phép bỏ Lễ Chúa Nhật và những ngày Lễ Trọng vì bất cứ lý do gì.👏
“Vì nếu người ta sở hữu cả thế gian, mà phải thiệt mất Linh hồn của mình, thì có ích lợi gì?” “Người ta sẽ lấy gì mà đổi lấy Linh hồn mình?” (x Mt 16,26).
Vì sẽ có lúc, con muốn đi mà cũng không đi được đâu. Như Mẹ đây này, giờ muốn tự đi cũng không đi được.
Có con chở đi nên mẹ vẫn còn rất may mắn. Nhiều người bị liệt khao khát đi Lễ mà không bao giờ đi được nữa. Quá muộn rồi.
Rồi con cứ nhìn các ngôi mộ mà xem. Những người nằm trong đó có muốn đi thì cũng không bao giờ đi được nữa. Quá muộn rồi.
Hơn nữa, ta không biết ngày nào, giờ nào Chúa gọi ta về, biết đâu ngay đêm nay thì sao?
Giờ chết trẻ, chết đột ngột, chết bất ngờ, chết ngỡ ngàng nhiều quá, nhiều vô kể.
Thậm chí 18 đôi mươi đã chết, khỏe cũng lăn đùng ra chết, sáng đang khỏe chiều đã chết, đêm ngủ sáng dậy đã chết, nên ta cần nhanh chóng đi Lễ hàng ngày để Chúa ban ơn và để đền tội.
👏Nhưng hãy luôn đi Lễ cách thành tâm, tập trung, cung kính, khao khát, khiêm nhường và sốt sắng thì mới có hiệu quả.👏
Con có biết tại sao nhiều người lười đi Lễ không?
Là vì họ thường đi Lễ cách hời hợt như nước đổ lá khoai, nghĩa là họ không hề thành tâm, không tập trung, không khao khát, không khiêm nhường và không chân thành.
Con còn nhớ lời Chúa Giê-su phán chứ?
“Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ của mình”. (Mt 5, 23-24).
Nếu không thì việc dâng LỄ của con sẽ trở nên hết sức tốn thì giờ và vô nghĩa như nước đổ đầu vịt, và sẽ không thể đẹp lòng Chúa được.
👏Con cứ chăm chỉ lo các việc của Chúa, Chúa sẽ sẵn sàng lo các việc của con.👏
Mẹ rất cám ơn con, vì nhờ có con mà Mẹ mới được đi Lễ hàng ngày.
Mai sau mẹ có được vào Thiên đàng làm Thánh thì một phần cũng nhờ ở con. Rồi mẹ sẽ phù hộ cho con".
💓💒💓💓💒💓💓💒💓
Kính thưa quý bà con cô bác!
​Chính những câu nói tuy đơn giản, nhưng thực tế và sâu sắc đó đã khắc sâu vào tâm trí cô con dâu thảo hiền của bà cụ và cô ấy đã say mến Thánh Lễ từ đó.
Vậy Người Công Giáo đi lễ để làm gì?
👏Đi Lễ là để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.
👏Đi Lễ là để nghỉ ngơi phần xác và nuôi dưỡng phần hồn.
👏Đi Lễ là để lắng nghe lời Chúa dạy cho cuộc sống ta bớt nhàm chán và sai lầm, thêm lạc quan và có ý nghĩa.
👏Đi Lễ là để được rước Mình Máu Thánh Chúa để Chúa làm chủ tâm hồn và cuộc đời.
👏Đi Lễ là để được Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn ơn phúc.
👏Đi Lễ là để được Chúa ban cho sức mạnh để vượt qua cám dỗ, thử thách và đau khổ.
👏Đi Lễ là để được Chúa ban cho niềm vui, bình an và hi vọng.
👏Đi Lễ là để cầu cho ông bà tổ tiên, người thân bạn hữu được rỗi Linh hồn.
Vân vân và vân vân...
👏Thánh Lễ là trung tâm điểm và cao điểm nhất của đời sống Đạo.
👏Chính Thánh Bênađô đã nói: Người ta được nhiều công phúc khi dự Lễ sốt sắng, hơn khi người ta bố thí tất cả của cải mình có cho người nghèo, và hơn đi hành hương trên khắp thế giới.
👏Rồi Thánh Anselmo cũng nói: Dâng 1 Thánh Lễ sốt sắng khi còn sống, ơn ích hơn cả ngàn Thánh Lễ khi đã qua đời.
👏NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI BIẾT SAY MÊ THÁNH LỄ.
👏NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI KHÔNG BỎ LỄ CHÚA NHẬT.
👏NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI LUÔN DỰ LỄ SỐT SẮNG.
👏ĐI LỄ LÀ ĐI CHO MÌNH. AI ĐI LỄ NGƯỜI ẤY ĐƯỢC ƠN.
💓💒💓
Chính Thánh Augustino đã khuyên:
👏Hãy chăm sóc tốt thể xác nếu bạn muốn sống lâu. Nhưng hãy chăm sóc tốt linh hồn, vì có thể bạn sẽ chết vào ngày mai.👏
👏Hãy chăm sóc Linh hồn tốt hơn thể xác, vì thể xác thì sẽ hư nát, còn linh hồn thì mãi bất tử.👏
👏Hãy đi Lễ ngay, vì rất có thể ngày mai bạn không còn cơ hội đi Lễ đâu. Cuộc đời ai biết đâu ngày mai?👏
👏Nhưng hãy ghi khắc trong tim là phải luôn đi Lễ cách thành tâm, tập trung, cung kính, khao khát, khiêm nhường và sốt sắng thì mới có hiệu quả.👏
Bài: Giuse Kích
Ảnh: Sưu tầm
(Nếu thấy ý nghĩ cho chính mình và mọi người, thì xin đừng cám ơn tác giả mà hãy luôn Tạ ơn Chúa, rồi nhanh chóng chia sẻ cho người khác. Và xin cầu cho nhau)
Nguồn: Baoconggiao

3 Kinh Trọng Dùng Để Trừ Quỷ Đầy Quyền Năng

LM Gabriele Amorth, một vị linh mục từ quỷ nổi tiếng người Ý và đã từng trừ quỷ trong 70,000 vụ, ngài khuyên chúng ta hãy đọc 3 kinh trừ quỷ đầy quyền năng này:

1. Kinh Anima Christi

Lạy Linh Hồn Chúa Kitô, xin làm cho con nên thánh. Mình Thánh Chúa Kitô, xin cứu chữa con. Máu Thánh Chúa Kitô, xin cho con say mến. Nước từ cạnh sườn Chúa Kitô, xin rửa con cho sạch. Sự Khổ nạn Chúa Kitô, xin làm cho con mạnh sức. Lạy Chúa Kitô nhân lành, xin nhậm lời con cầu xin. Trong những thương tích Chúa, xin dấu ẩn con. Xin đừng để con xa lìa Chúa. Xin bảo vệ con khỏi kẻ thù hung ác. Xin Chúa gọi con trong giờ lâm tử, và kêu con đến cùng Chúa. Để cùng với các thánh, con được ngơi khen Chúa đến muôn đời. Amen.

2. Kinh Trừ Quỷ (Powerful Exorcism Prayer)

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Lạy Thiên Chúa là Chúa, là Vua của mọi thời đại. Đấng Toàn Năng và đầy sức mạnh. Chúa sáng tạo ra mọi loài, Chúa biến đổi mọi sự theo Thánh Ý Ngài. Tại Babylon, Chúa biến đổi các ngọn lửa ”Bẩy lần nóng hơn” của lò sưởi thành sương mai. Chúa đã bảo vệ và cứu thoát ba trẻ thánh thiện.

Chúa là bác sĩ và là thầy thuốc của linh hồn chúng con. Chúa là Ơn Cứu độ cho những ai tìm đến với Ngài. Chúng con nài xin Chúa hãy làm cho các tà lực phải mất hết uy quyền. Xin Chúa bẻ gẫy và đánh đuổi mọi sự dữ, mọi âm mưu gian kế, mọi ảnh hưởng của ma quỷ, của lời nguyền rủa, hay mắt của ma quỷ và mọi hành động xấu xa nhằm đánh phá chúng con là tôi tớ của Chúa.

Khi có sự ganh ghét và hiểm độc, xin Chúa ban cho con lòng từ bi, chịu đựng, chiến thắng và lòng mến. Lạy Chúa, Chúa luôn yêu mến loài người; vì thế, chúng con xin Chúa đưa bàn tay uy quyền và cánh tay mạnh mẽ của Ngài để cứu chúng con. Xin cứu giúp vì chúng con là hình ảnh của Ngài. Xin gửi thiên thần hòa bình trên chúng con, xin bảo vệ chúng con cả hồn lẫn xác.


Xin Chúa trừ khử tất cả những sự dữ, thuốc độc hay sự hiểm ác mà kẻ độc ác và ganh tỵ muốn làm hại chúng con. Dưới sự bảo vệ của quyền lực Ngài, chúng con ca ngợi và cảm tạ Ngài:” Chúa là Đấng Cứu độ tôi, tôi còn sợ ai?” Con sẽ không sợ ma quỷ bởi vì Chúa ở cùng con.

Lạy Chúa là sức mạnh của con, Chúa Toàn Năng, Chúa Bình An, Cha của mọi thời đại. Chúa là Chúa, xin thương xót chúng con, vì chúng con là hình ảnh của Ngài. Xin cứu rỗi chúng con khỏi những sự đe dọa hay độc hai của kẻ dữ, xin bảo vệ và nâng đỡ chúng con khỏi mọi sự dữ. Chúng con cầu xin điều này qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, Đức Nữ Đồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa, và qua lời cầu bầu của các Tổng Lãnh Thiên Thần và các Thánh. Amen.

3. Lời Nguyện Xin Ơn Giải Thoát

Lạy Chúa, Chúa là Đấng Toàn Năng, Chúa là Chúa Tể. Chúa là Cha. Con khẩn xin Chúa, qua lời cầu bầu của các TLTT Micael, Raphael và Gabriel, xin Chúa hãy giải thoát chúng con và các anh chị em của chúng con khỏi ách nô lệ của ma quỷ. Xin các Thánh trên Thiên Đàng hãy cứu giúp chúng con.

Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi sự lo âu, buồn phiền, và các liên hệ. Xin giải thoát chúng con khỏi sự hận thù, gian dâm, ganh tỵ, các tư tưởng ghen tuông, giận dữ, và tư tưởng muốn chết. Xin giải thoát chúng con khỏi các tư tưởng tự tử và phá thai. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi hình thức dâm ô xác thịt, tội lỗi, khỏi mọi sự chia rẽ trong gia đình và khỏi mọi liên hệ nguy hiểm giữa bạn bè. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi lời nguyền rủa, hiểm ác, phù thủy, mê tín đị đoan.

Lạy Chúa, Chúa đã phán: “Ta ban cho các con sự bình an, bình an của Ta,Ta ban cho các con,” qua lời chuyển cầu của Đức Nữ Đồng Trinh Maria, chúng con sẽ được giải thoát khỏi mọi lời chúc dữ và tận hưởng sự bình an của Chúa mãi mãi. Nhờ Danh Thánh Chúa Giêsu, Chúa chúng con. Amen.”
Nguồn: tintucconggiao

CÓ BUỘC PHẢI TIN NHỮNG CUỘC HIỆN RA KHÔNG ?

LM. Nguyễn Hồng Giáo OFM
- Lâu lâu người ta lại thấy nơi này nơi kia dân chúng xôn xao về những điều lạ lùng, bí ẩn, kháo láo nhau về những điều được coi là phép lạ, chuyền tay nhau những “sứ điệp” gọi là những điều “mạc khải” cho vị nọ, vị kia ... Hiện tượng này không chỉ có trong Giáo hội Công giáo mà thôi, mà cả trong xã hội nói chung, song khi người ta là tín hữu Công giáo, có một đức tin được giảng dạy rõ ràng chính xác, thì người ta không được phép muốn tin gì cũng được. Giáo hội luôn luôn tỏ ra hết sức thận trọng ngay cả với những chuyện “hiện ra” và những sự ‘mạc khải” có thể là có thật, huống hồ là với những tin đồn và kháo láo ... Làm sao có một thái độ đúng đắn ở đây?
Về vấn đề này, tôi xin trình bày ý kiến có uy tín của cha R. Laurentin, một nhà thần học khá nổi tiếng ở Pháp, một chuyên viên về Thánh Mẫu Học, trong một bài viết năm 1967 nhưng vẫn hợp thời.
- Cuộc du hành của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đến Fatima (1967) đã tạo nên những niềm phấn khởi song cũng gây ra những ngại ngùng. Người ta đặt câu hỏi: Cuộc du hành này phải chăng là một sự thừa nhận sự thật của các cuộc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima? Những cuộc hiện ra nói chung có phải là thành phần của đức tin Công Giáo hay không? Có buộc phải tin chúng không?
1. THÁI ĐỘ CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI NHỮNG MẠC KHẢI TƯ
Vấn đề cơ bản là xét xem thái độ của Giáo hội đối với các cuộc hiện ra mang tính chất nào. Tiếng nói có uy tín được mọi người nhìn nhận trong vấn đề này là của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV. Trong sách “Việc phong chân phước và phong thánh cho các tôi tớ Chúa" (De servorum Dei beatificatione et canonisatione) xuất bản trước khi ngài lên ngôi giáo hoàng nhưng về sau được tái bản nhiều lần (cuốn 2 chương 32, số 11; cuốn 3, chương 53, số 15), ngài viết:
“Cần biết rằng việc Giáo Hội phê chuẩn một sự mạc khải tư chỉ có nghĩa là, sau khi đã cẩn thận cứu xét, Giáo Hội cho phép được phổ biến nó nhằm giáo dục và mưu ích cho các tín hữu. Đối với những mạc khải như thế, dù đã được Giáo Hội chuẩn nhận, người ta vẫn không được phép, không thể thuận theo với đức tin Công giáo, người ta chỉ cần dựa vào sự khôn ngoan mà tán đồng với lòng tin tưởng tự nhiên nếu những mạc khải ấy có khả năng là đúng và đáng tin cho lòng đạo đức (pie credibiles). Do đó loại mạc khải tư này, người ta có thể không tán thành và không theo miễn là vẫn giữ lòng khiêm tốn thích hợp, khi có những lý do chính đáng và không có ý khinh dể”.
2. HAI LOẠI MẠC KHẢI, HAI CÁCH TIN
Để hiểu rõ đoạn văn trích dẫn trên, phải biết rằng giáo lý Công giáo phân biệt hai loại mạc khải: chung và riêng (hoặc tư). Mạc khải chung là việc Thiên Chúa bày tỏ sự khôn ngoan và ý muốn của Người cho nhân loại một cách siêu nhiên nghĩa là vượt trên sức tự nhiên của con người, để cứu rỗi họ. Ví dụ những gì Đức Giêsu Kitô dạy cho biết về Thiên Chúa yêu thương tạo thành và cứu độ con người, về ân sủng, về linh hồn bất tử và sự sống đời đời, v.v. Giáo Hội có bổn phận bảo tồn và giải thích mạc khải này. Nó chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh truyền. Còn mạc khải riêng (tư) là việc Thiên Chúa bày tỏ những chân lý còn được giữ bí mật cho một số cá nhân vì lợi ích thiêng liêng của họ hay của người khác. Đối với mạc khải chung, người ta phải đón nhận với đức tin (siêu nhiên); đối với mạc khải tư, người ta có thể đón nhận với lòng tin tưởng (tự nhiên). Biết mà cố tình không chịu tin mạc khải chung thì không được cứu rỗi, biết mà không chịu tin những mạc khải tư cũng không hại gì. (Theo cuốn Pocket Catholic dictionary, của John A Hardon S.J, New York 1985).
Tóm lại, hai khái niệm cần phân biệt ở đây là : đức tin siêu nhiên (đối với mạc khải chung, mạc khải siêu nhiên) và lòng tin tưởng tự nhiên (tin theo sự khôn ngoan của con người có trí khôn, đối với những thứ gọi là mạc khải tư).
Lập trường trên đây đã được xác nhận bởi Thánh Bộ Nghi lễ trong thư trả lời đề ngày 6.2.1875 gửi cho Tổng Giám Mục Santiago ở Chilê.
“Tòa Thánh không phê chuẩn, cũng chẳng lên án các cuộc hiện ra hay mạc khải (tư). Tòa thánh chỉ cho phép, vì coi đó là có thể tin được một cách sốt sắng với lòng tin tưởng tự nhiên, căn cứ theo những dữ kiện và giá trị của các chứng cứ”.
Đức Giáo Hoàng Piô X trong thông điệp Pascendi (8.9.1907) cũng viết tương tự:
“Trong vấn đề này, Giáo Hội giữ thái độ khôn ngoan đến nỗi không cho phép người ta tường thuật lại các truyền thống này bằng tài liệu viết công khai trừ ra với rất nhiều thận trọng và sau khi đã trưng ra lời tuyên bố mà Đức Urbanô VIII đã bắt buộc. Dù vậy, ngay trong những trường hợp này, Giáo Hội cũng không đảm bảo cho sự thật của sự kiện (được kể lại). Đơn giản là Giáo Hội không cấm tin những điều tự nó không thiếu những lý do để tin với niềm tin tưởng tự nhiên”.
3. CÓ PHẢI GIÁO HỘI HIỆN NAY ĐÃ THAY ĐỔI THÁI ĐỘ ?
Đúng là các Đức Giáo Hoàng thời nay đã dành nhiều lời khuyến khích đặc biệt liên quan tới việc Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và ở Fatima. Đối với Giáo hội La-tinh, sự kiện Lộ Đức còn là đối tượng cho một ngày lễ phụng vụ. Những lời khuyến khích ấy đã khiến cho một số thần học gia xem xét lại học thuyết đã được trình bày trên đây.
Cha Balic, chủ tịch các cuộc Đại hội quốc tế đã kêu gọi họ làm như thế, trước kỳ đại hội Lộ Đức năm 1985. Tuy nhiên ít người đáp lại lời kêu gọi này. Chỉ có hai diễn giả đề cập tới vấn đề. Từ những lời cổ vũ của họ, có thể rút ra hai điểm như sau: trong trường hợp Lộ Đức và một phần nào trong trường hợp Fatima, ta thấy có cái gì hơn là một sự cho phép, đó là một sự khuyến khích. Nhưng bản chất của những cuộc hiện ra và mạc khải tư vẫn không vì thế mà thay đổi.
4. MẠC KHẢI CHÍNH THỨC ĐÃ CHẤM DỨT
Quả vậy, các nguyên tắc căn bản vẫn tồn tại. Ngày nay sự Mạc Khải (chung) đã chấm dứt. Các mạc khải tư không thêm gì vào đó nữa. Chúng chỉ có chức năng là nhắc lại hoặc làm sống động lại một số khía cạnh của sứ điệp đã bị lu mờ trong trí khôn con người, hoặc tỏ ra đặc biệt hữu ích trong một thời đại hay một môi trường nào đó. Chẳng hạn, sự cần thiết sám hối và hoán cải, vốn là chủ đề căn bản của tất cả các cuộc Đức Mẹ hiện ra ở thế kỷ XIX và XX. Một lời nhắc nhở quan trọng (...)
5. KẾT LUẬN : TÔN GIÁO CHÂN THẬT NẰM TRONG ĐỨC TIN CHÂN THẬT
Cần phải giữ sự khôn ngoan cần thiết trước những sự kiện thường rất lộn xộn. Từ một chấn động do một sự liên lạc chân chính với thực tại siêu nhiên gây ra, lắm khi tất cả các mãnh lực tâm lý và tưởng tượng của những người nhìn thấy “thị kiến” và của những kẻ chung quanh bắt đầu hoạt động, vượt xa cái sứ điệp đã nhận được ban đầu. Công việc thanh lọc, phân định thật vô cùng khó khăn. Về mặt này, Lộ Đức là một trường hợp đặc biệt, vì sứ điệp do Thánh Bernadette nhận được bao gồm trong 12 câu hết sức ngắn và đơn sơ và trước sau vẫn không thay đổi. Thời gian không thêm gì khác vào đó. Thời gian chỉ mang tới cái dấu vết thông thường của nó, tức là làm cho người ta quên mất các chi tiết. Trái lại đối với Fatima, nội dung của sứ điệp nguyên thủy và những lời giải thích, những điều tiếp theo hay những mạc khải về sau thật rất khó phân biệt. Công việc này vẫn chưa được làm một cách khoa học khi cha Laurentin viết bài mà tôi đang giới thiệu đây (1967). Tuy nhiên đèn xanh đã bật cho cha J. Alonso, một tu sĩ Tây Ban Nha, dạy khoa Thánh Mẫu Học ở Rôma, để xuất bản toàn bộ tư liệu ...
Trong thực tế, cần nhắc lại đây hai chuẩn mực: chuẩn mực thứ nhất đã được Hồng Y Ottaviani nhắc lại cách mạnh mẽ trong một bài đăng trên báo Osservatore Romano (4.2.1951). Ngài viết: “Từ ít năm nay, chúng ta chứng kiến nơi quần chúng một sự say mê gia tăng đối với 'cái lạ lùng huyền bí'... Từng đoàn tín hữu kéo đến những nơi xảy ra cái gọi là những cuộc hiện ra hay những phép lạ và đồng thời họ lại bỏ vắng nhà thờ, sao nhãng các bí tích, các bài giảng ... Trong lúc quyền bính tôn giáo còn do dự thì dân chúng không chờ đợi nữa, họ xô nhau đến với chuyện 'lạ lùng' ... không được kiểm soát.
“Chúng ta cần phải thành thực nói rằng những hiện tượng loại đó có thể là những biểu lộ của lòng sùng đạo tự nhiên. Nhưng đó vẫn không phải là những hành vi [mang tính tiêu biểu] Kitô giáo và chúng còn tạo ra một cái cớ dễ sợ cho những ngươi muốn--với bất cứ giá nào--tìm thấy trong đạo Kitô (nhất là trong đạo Công giáo) những tồn tại của mê tín dị đoan... Tôn giáo đích thực nằm trong đức tin đích thực...” [tôi nhấn mạnh].
Chuẩn mực thứ hai chính là điều mà Đức Bênêđictô XIV đã nêu lên. Chắc chắn rằng những ai dị ứng với những hiện tượng hiện ra này vẫn được hoàn toàn tự do lương tâm. Đây là một phạm vi “tùy ý” trong Kitô giáo. Song họ phải tôn trọng lương tâm kẻ khác, không được khiêu khích nó hay khinh dể nó. Điều đó là bắt buộc đặc biệt nơi nào quyền bính tối cao đã cho phép, hoặc khuyến khích các hình thức đạo đức này, như ở Lộ Đức và Fatima. Trong Giáo hội cũng như nơi khác, giới hạn của mọi tự do là sự tự do của kẻ khác, và là điều mà một đức ái đầy cảm thông gợi ý cho ta, bởi vì trong linh đạo Kitô giáo có “nhiều chỗ ở”.

Người Công giáo có Cúng Ông bà Tổ Tiên không?

Trong 10 điều răn Chúa dạy chúng tôi, có 1 điều đó là “Thảo kính Cha Mẹ”. Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính Cha Mẹ; kẻ nào nguyền rủa Cha Mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

Có 1 số người ngoại đạo đã hỏi tôi rằng: “Chúng mày theo Chúa, thờ mỗi Chúa, thế là khi Bố Mẹ Ông Bà người thân chết đi là khỏi phải thờ à?”

Tôi cười và đáp: “Dạ thưa các bạn trong 10 điều răn Chúa dạy chúng tôi, có 1 điều đó là “Thảo kính Cha Mẹ”. Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính Cha Mẹ; kẻ nào nguyền rủa Cha Mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

Và hằng ngày trong các thánh lễ chúng tôi vẫn cầu cho các linh hồn đó chứ.

Người Công Giáo chúng tôi còn có hẳn 1 tháng để kính nhớ đến ông bà tổ tiên cùng những người đã khuất, và chúng tôi vẫn ăn tết nguyên đán như bình thường nhé! Trong những ngày vui của năm mới chúng tôi cũng không quên dành ngày mùng 2 tết âm lịch để nhớ về cội nguồn của mình.

Chúng tôi cũng có ngày lễ giỗ. Gia đình sẽ mời anh em, bạn bè, hàng xóm đến không phải ngồi quanh mâm cỗ cúng, mà quây quần gần bên bàn thờ được thắp nến trưng hoa để đọc kinh dâng lời cầu nguyện, mong cho linh hồn đã chết sẽ được đến nơi vĩnh hằng là Thiên đường. Thay vì mâm cao cỗ đầy mời người đã khuất về cùng với gia đình theo quan niệm bên các bạn, chúng tôi cũng không quên ngồi lại bên nhau sau giờ đọc kinh mời chén trà, điếu thuốc, dùng cái kẹo, trái cây. Quan niệm của chúng tôi là hãy đối xử tốt với những người thân bên cạnh bạn khi còn sống, còn khi đã khuất mâm cao cỗ đầy cũng để làm gì.

Điều các bạn tin và mong muốn là sống tốt và kiếp sau sẽ được luân hồi tiếp tục trở thành con người…

Khác với các bạn niềm tin của chúng tôi đó là Nước Trời, là Thiên Đàng – nơi mà con người sẽ sống 1 cuộc sống hạnh phúc viên mãn mãi mãi.

Các bạn có tin điều các bạn mong muốn không? Còn chúng tôi. Chúng tôi tin! chúng tôi sẽ làm những điều gì mình tin, mà tin điều chắc chắn có!!!

“Cứ xin thì sẽ cho, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở”.
Nguồn: tintucconggiao

3 ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC RƯỚC LỄ

1/ Sạch tội trọng, (Chúa không ở chung với tội lỗi).

2/ Có ý ngay lành (rước lễ vì mến Chúa, để linh hồn được sống)

3/ Giữ chay một giờ trước khi rước lễ (được uống nước lã, uống thuốc khi cần, ngoài ra không ăn uống thứ gì khác, trừ các bệnh nhân đang điều trị).

Về vấn đề này, Thánh Phaolô trong thư thứ 1, đã viết cho dân thành Corinhtô như sau:

11:23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh,

11:24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”

11:25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”

11:26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

11:27 Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.

11:28 Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này.

11:29 Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.

11:30 Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.

11:31 Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử.

11:32 Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian.
Nguồn: tintucconggiao.ne